Nóng Giận Là Bản Năng, Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh
Con người là một thực thể xã hội chịu sự tác động cuả các quy luật tự nhiên, khi đứng trước những tác động đó, chúng ta sẽ hình thành nên những bản năng. Những bản năng này có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn nhưng cũng đồng thời mang lại sự nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng nếu như chúng ta không biết cách kiểm soát chúng trong những thời khắc quan trọng. Một trong những bản năng đó là bản năng phòng vệ/chiến đấu – SỰ NÓNG GIẬN.
Chúng ta đã quá quen với những câu chuyện đau lòng đã và vẫn đang tồn tại ở xã hội hiện nay, rằng: chỉ vì một phút nóng giận mất kiểm soát mà anh ta/cô ta đã ra tay sát hại nạn nhân một cách dã man không thương tiếc; hay chỉ vì một phút không giữ được mình, anh ấy/cô ấy đã làm tan nát đi hạnh phúc mà mình đã vun đắp bao lâu nay…
Có thể thấy, sự nóng giận sẽ chỉ mang lại cho chúng ta những hậu quả không thể chữa lành, để lại cho chúng ta những day dứt không nguôi về những lỗi lầm mình đã phạm phải khi đang trong trạng thái vô thức.
Sự nóng giận là bản năng mà chúng ta cần học cách kiểm soát và điều khiển nó, có như vậy chúng ta mới tiến tới một con người hoàn thiện hơn về tâm trí, hướng chúng ta tới sự tĩnh lặng, từ đó tạo nên một con người bản lĩnh có thể hiên ngang đón lấy mọi mưa giông bão táp của cuộc đời.
“Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh” là cuốn sách nên được đồng hành cùng các bạn trên con đường cải thiện bản thân, giúp các bạn tìm được cho mình hướng đi đúng đắn của cuộc đời. Cuốn sách là những góc nhìn đơn sơ giản dị, là những nhận định từ tâm mang đầy tính thiện của đại sư Hoằng Nhất – Lý Thúc Đồng về những sự vật sự việc diễn ra thường ngày ở cõi trần tục. Chúng ta sẽ bất giác nhận ra mình ở đâu đó trong những câu chuyện mà Ngài nhắc đến, để rồi phải suy ngẫm và tự kiểm điểm chính mình.
PHẦN 1 – TỪ BỎ HAM MUỐN, TU MỘT TRÁI TIM THANH TỊCH
Chúng ta có quyền được mưu cầu những điều tốt đẹp để có một cuộc sống hạnh phúc, thế nhưng không phải ai trong số chúng ta cũng biết cách dung hòa những ham muốn để giữ cho mình một cuộc sống bình thản. Chúng ta thường vội vàng chạy theo những thứ lấp lánh, đánh đổi mọi thứ để thỏa mãn tham vọng, để rồi bỏ quên cuộc sống hiện tại, quên bản thân mình, quên những giá trị sống đơn sơ, quên mất rằng hạnh phúc đến từ những điều nhỏ bé.
Trong phần này, thông qua những mẩu chuyện nhỏ, đại sư Hoằng Nhất muốn chúng ta học cách dưỡng tâm, dưỡng tính, để trở thành những người có trong mình nội tâm điềm đạm.
PHẦN 2 – TIẾT KIỆM THỰC PHẨM, Y PHỤC LÀ VÌ TRÂN TRỌNG, KHÔNG PHẢI VÌ TIẾC CỦA
Chúng ta thường mất quá nhiều thời gian cho việc suy nghĩ ngày hôm nay tôi phải mặc gì khi ra ngoài, hay tối hôm nay tôi cần ăn gì cho ngon miệng. Chúng ta thường làm cho cuộc sống của mình trở nên phức tạp hơn khi không ngừng đòi hỏi, bị chi phối nhiều hơn từ chính những thứ chúng ta đang sở hữu. Điều này không những làm cho chúng ta căng thẳng mà còn khiến ngân quỹ cá nhân luôn trong trạng thái báo động đỏ. Nếu như chúng ta học được cách trân trọng và bằng lòng với những gì mình hiện có, thực hiện lối sống tối giản, thì chắc chắn cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều.
Con người không vui vẻ, không hạnh phúc, không phải bởi họ có được quá ít, mà bởi họ không biết đủ, biết dừng. Không biết đủ thì cho dù có bao nhiêu tiền bạc cũng sẽ cảm thấy mình có quá ít, lúc nào cũng buồn phiền vì cái không có được, không biết dừng đúng lúc, cuối cùng ngay cả thứ đến tay rồi cũng vuột mất.
PHẦN 3 – BÌNH TĨNH ÔN HÒA MỚI CÓ ĐƯỢC NỘI TÂM MẠNH MẼ
Đứng trước những điều phiền toán và khó chịu, chúng ta thường rất dễ nổi giận và chống trả lại bằng những hành động tiêu cực, để lại những hậu quả khó chữa lành. Điều này xảy ra thường xuyên sẽ dần biến chúng ta trở thành những con người cọc cằn và khó tính, khiến cuộc sống không có một phút giây nào bình thản. Chúng ta cần học cách kiên nhẫn và khoan dung hơn với những sự việc khiến bản thân không hài lòng, có như vậy chúng ta mới giải thoát bản thân mình khỏi những phiền muộn
PHẦN 4 – BUÔNG BỎ, BUÔNG BỎ, CÀNG BUÔNG BỎ CÀNG VUI VẺ
Ham muốn giống như nước biển, càng uống thì càng khát
Nếu chúng ta không tiết chế được ham muốn, chúng ta sẽ trở thành những con người tham lam và không bao giờ biết đủ. Chúng ta sẽ luôn trong suy nghĩ mình phải có nhiều hơn những gì mà mình hiện đang có, mà quên đi hạnh phúc thực sự chỉ đến khi chúng ta biết hài lòng với thực tại, và sống trọn những khoảnh khách đời thường nhỏ bé.
PHẦN 5 – TU TÂM CHO TỐT THÌ ĐỜI THONG DONG
Trong phần này, cuốn sách đề cập đến việc quét rác trong tâm để tâm chúng ta được sạch sẽ. Hãy bắt đầu học cách tha thứ cho những ai đã từng làm tổn thương mình; học cách tự kiểm điểm bản thân và ngừng bàn tán chuyện của người khác; học cách từ bỏ những thói quen xấu và tiêu cực; học cách nói lời hay ý đẹp với những người xung quanh chúng ta thay vì những lời chỉ trích đặt điều nói xấu sau lưng…
Ngồi yên thì suy ngẫm lỗi của mình, nhà rỗi thì đừng bàn chuyện của người khác.
PHẦN 6 – COI NHẸ PHIỀN NHIỄU HỒNG TRẦN, TRONG LÒNG TỰ TẠI THANH THẢN
PHẦN 7 – TỪ BỎ SỰ CỐ CHẤP, MỚI CÓ THỂ CHỜ HẠNH PHÚC ĐẾN GÕ CỬA
Trong cuộc sống, chúng ta vì mưu cầu một điều gì đó mà mình phải “cố chịu đấm ăn xôi”, chịu đựng tất cả những sự không vui và đánh đổi cả những niềm vui mình đang có. Khi đã đạt được mục đích, liệu rằng chúng ta có thực sự hạnh phúc với những gì mà mình đã phải hy sinh?
Đời người chỉ là quãng ngày gửi tạm chốn hồng trần, không có gì là không bỏ được.
Chúng ta sống không biết được ngày mai điều gì sẽ xảy đến, có thể vui có thể buồn, chúng ta nỗ lực mỗi ngày để hướng tới một cuộc sống bình yên chứ không phải là một cuộc sống mà nhìn đâu chúng ta cũng thấy gánh nặng của sự phấn đấu. Cuộc đời là những trò chơi được mất may rủi, muốn có được thứ khác trong tay thì chúng ta phải buông bỏ thứ chúng ta đang nắm giữ. Người biết “buông bỏ” mới là người thật sự hiểu được cuộc sống.
PHẦN 8 – TỐT VỚI NGƯỜI KHÁC, TÂM HỒN MỚI THỰC SỰ AN YÊN
Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Cuộc sống không ép chúng ta phải sống tốt đỗi đãi tốt với tất cả mọi loại người, song nếu có thể còn tử tế được, hãy giúp đỡ người khác như một sự cho đi không mong nhận lại. Khi chúng ta làm một việc tốt có ý nghĩa, chúng ta mỉm cười và chỉ đơn giản thế thôi, chúng ta sẽ thấy đời an yên hơn mỗi ngày.
PHẦN 9 – HOA XUÂN KHẮP NƠI, TRĂNG SÁNG VẰNG VẶC
Chúng ta thường chỉ quan tâm hình tượng của mình trong mắt người khác và luôn suy đoán, cố gắng khiến mình trở nên phù hợp với suy nghĩ của họ. Trên thực tế, một người có thành công hay không không nằm ở việc anh ta tốt hơn người khác bao nhiêu, mà là liệu anh ta có thể hạnh phúc và thỏa mãn về mặt tinh thần hay không. Do đó, một người điềm tĩnh sẽ không bao giờ quan tâm đến cách người khác đánh giá về mình. Được hay mất, thông minh hay ngu ngốc, thành công hay thất bại đều không thể trở thành yếu tố cản trở hạnh phúc của chúng ta. Chiến thắng thì sao, thất bại thì sao, tôi chỉ làm chính mình, sống những ngày của riêng tôi. Hạnh phúc của tôi không liên quan đến bất cứ ai, chỉ liên quan đến trái tim của tôi.