CHIA SẺ CUỘC SỐNG

Đối thoại cùng người lạ

Hai thế hệ, hai con người khác nhau về màu da sắc tộc, hai kẻ chưa từng quen giao tiếp bằng ngôn ngữ không phải “cha sinh mẹ đẻ”, thế nhưng chúng tôi vẫn ngồi được với nhau để chia sẻ những câu chuyện đời thường trong quá khứ, hiện tại, và cách thức xã hội quốc tế đang vận hành. 

Tôi không đủ vốn từ để có thể diễn đạt mạch lạc hết những suy nghĩ của mình, và “Chú Max – 61 tuổi” cũng vậy, kết hợp ngôn ngữ cơ thể cùng tư duy phân tích nắm bắt mạch câu chuyện, chúng tôi hiểu được những nội dung mình đang thảo luận với hai tâm thế cởi mở và hứng thú.

Chú Max ngồi cafe một mình ngắm dòng người qua lại, cái cách mà tôi vẫn hay làm trong thời gian rảnh rỗi, để tìm cho mình cảm giác cân bằng an yên giữa thế gian vội vã dòng người ngược xuôi. Duyên thay, tôi lại được gặp Chú trong một ngày rảnh rỗi như vậy.

Xin lỗi, bàn kế bên có ai đó đang ngồi không? Tôi có thể ngồi bàn này được không?

Cậu có thể ngồi. Cậu là người Việt Nam hả?

Dạ, tại sao Chú lại nhận ra được tôi là người Việt Nam?

Bởi cái cách Cậu nở nụ cười, cùng giọng nói đặc trưng của những người Việt Nam tôi đã từng gặp qua và nói chuyện.

Wow, cảm ơn Chú, Chú có nhãn quan tốt quá.

Tôi ngồi xuống bàn với ly cafe to-go mới mua, Chú Max bắt đầu hỏi chuyện qua lại, trước lạ sau quen, Chú Max kể tôi nghe về thời Chú còn trai trẻ, chú có đôi mắt màu xanh dương với tính tình vui vẻ, Chú đẹp trai có dáng vóc thanh lịch, đi cùng những yếu tố đó là giá trị của một công dân đến từ xứ sở hòa bình Canada. Thời đó, Chú hay đến Venezuela, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Dominica… đàn bà con gái nơi đó vây quanh Chú, họ tìm mọi cách để có thể tiếp cận Chú với viễn cảnh đổi đời, mong được Chú đưa mình đến sống ở một đất nước mới không đói nghèo, không chiến tranh hay bạo loạn, an sinh xã hội được đảm bảo…

Chúng tôi nói về:

  • Viet Cong – Việt Cộng.
  • Ẩm thực Việt Nam với hương vị đặc trưng ‘fish-sauce: nước mắm’.
  • Sự khác biệt trong khuôn mặt, sự thân thiện hay sự kỳ thị giữa những con người đến từ những vùng lãnh thổ quốc gia khác nhau.
  • Nước Mỹ – nước từ bao đời nay chỉ muốn đi gây chiến tranh với các nước khác, luôn tìm cách thao túng kiểm soát, lợi dụng và kìm hãm phát triển kinh tế của các quốc gia nhỏ bé.
  • Nước Pháp – nước đã từng xâm chiếm đô hộ Việt Nam, để lại những ảnh hưởng rõ nét trong văn hóa ngôn ngữ cùng các công trình kiến trúc.
  • Nước Venezuela – một đất nước có quá nhiều bất cập về chính trị xã hội, khủng hoảng kinh tế, lạm phát dâng cao đến mức đồng tiền không còn giá trị, người dân xung đột đánh giết nhau chỉ vì những cuộn giấy vệ sinh hay những nhu yếu phẩm nhỏ bé hàng ngày…

Chú Max dành khá nhiều thời gian để nói về Venezuela, có vẻ như Venezuela là một chốn ân tình, nơi có những kỷ niệm vui buồn của Chú. Chú nói Chú không mấy khi tiêu tiền vào những thú vui ở Canada, mỗi khi có cơ hội được quay lại Venezuela, Chú sẽ cầm tiền đến đó để hưởng thụ và cho đi, vì nơi đó Chú có cảm giác Chú được tôn trọng và nơi đó đang có rất nhiều người nghèo khổ cần sự giúp đỡ của Chú.

Chú nhận xét tôi là người thân thiện và nhân hậu, vì Chú thấy điều đó qua nụ cười với những vết hằn chân chim nơi hai đuôi mắt của tôi. Cái cách tôi cúi đầu bắt tay Chú bằng 2 tay, Chú cũng để ý và nhận định tôi là một người đáng tin và có thể làm bạn được.

Chú nói trong xã hội ngày nay, không còn nhiều người chú trọng tới những tiểu tiết, người với người không còn muốn giao tiếp, không còn nhiều nụ cười ‘welcome – chào đón’ dành cho nhau như cách tôi dành cho Chú. Trong đám đông, chúng ta chỉ lướt vội qua nhau và không mấy ai muốn ngồi lại để chia sẻ câu chuyện cuộc đời của mình. Có vẻ như thế giới vốn dĩ đang quá nguy hiểm và phức tạp, đó là cách để họ giữ lấy sự an toàn cho chính bản thân mình, chứ không hẳn họ đang dần trở nên vô cảm.

Hầu hết mọi người coi cách sống đó là ‘normal – bình thường’, nhưng Chú nói tôi Chú chưa từng muốn mình sống và trở nên ‘normal’ như vậy, bởi nó rất nhàm chán và vô vị. Dẫn chứng cho cái không bình thường của Chú, Chú lấy trong túi áo ra một chiếc kèn harmonica nhỏ, Chú kể về quãng thời gian khi dịch Covid cao điểm, Chính phủ ban luật ra đường mọi công dân phải đeo khẩu trang. Vào thời gian đó, có một hôm Chú ngậm harmonica và thổi dưới lớp khẩu trang, xung quanh ai cũng giật mình ngạc nhiên, họ cố tìm kiếm và thắc mắc không biết ai là người đang phát ra thanh âm. Nhắc lại câu chuyện nhỏ đó, Chú bật cười một cách vô tư và thích thú. 

Tôi như bị Chú dẫn dắt vào những câu nói giản dị đời thường, song lại chứa đựng những ý nghĩa cuộc sống sâu xa. Tôi không đảm bảo khẳng định Chú Max là người tốt, nhưng cách Chú truyền đạt cùng ánh mắt tử tế của một người có kiến thức và có trải nghiệm thực tế, bằng tư thế ngồi ung dung chân thành, không một động tác giả dối, tôi cứ lắng nghe và cùng chia sẻ với Chú chút kiến thức ít ỏi của mình, cho tới khi ly cafe của hai Chú Cháu đã vơi tận đáy.

Chào tạm biệt Chú, tôi thầm nghĩ, nếu có duyên gặp lại Chú vào một ngày khác, tôi sẽ xin số phone để mỗi khi thấy lòng phiền muộn, tôi sẽ gạ Chú đi cafe như một người bạn già, để có một người lạ biết lắng nghe và đồng cảm với những suy nghĩ khác thường của mình. 

“Woman is so dangerous, so be careful with them – Đàn bà vô cùng nguy hiểm, hãy cẩn thận với họ” – Câu nhắn nhủ của Chú Max, và tôi cứ mỉm cười khi nghĩ về lời cảnh báo dễ thương này. 

Hãy cứ sống bình dị và chân thành, câu chuyện đúng sai không còn quan trọng, quan trọng là chúng ta đã biết mở lòng vì nhau, để được chia sẻ và được lắng nghe, ít hay nhiều đó cũng là những lăng kính trải đời đáng để cho chúng ta học hỏi. Từ đó, chúng ta sẽ tự rút ra những bài học giá trị đúng đắn, để tiếp tục sống tử tế và mang lại những điều ý nghĩa cho xã hội.

Đôi khi, đơn giản chỉ là ngồi xuống cùng nhau, cùng nói cùng cười, là đủ cho một ai đó cảm thấy vững bước trên đường đời gập ghềnh của họ.

Thân,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *