Khi hơi thở hóa thinh không
Cuốn sách là hồi ký tự sự của Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi, trong khoảng thời gian anh chống trọi với căn bệnh Ung thư phổi giai đoạn cuối. 38 tuổi đời, anh ra đi để lại trong lòng người đọc những khoảng lặng cùng sự tiếc thương ngậm ngùi, cho sự nhiệt huyết tràn đầy cùng lương tâm cao quý thiện lành của người hành nghề trong lĩnh vực Y học.
Như một sự cảm thông chân thành, phần lớn bạn đọc đều dành cho cuốn sách những lời khen và đánh giá tốt. Xét về quan điểm cá nhân của riêng mình sau khi đọc xong cuốn sách, bên cạnh sự cảm thông thì mình thấy ngay và cả trước khi Paul lâm bệnh, Paul là người chưa thực sự biết mình cần phải làm gì và sinh hoạt ra sao để có một sức khỏe tốt nhằm duy trì được thời gian sống dài hơn trong quá trình điều trị.
Có lẽ Paul là một tín đồ của Y học truyền thống, là người hy sinh phần lớn thời gian cho công việc, anh dường như bị cuốn theo cái mục tiêu về một tương lai rạng rỡ cho mình và cho gia đình, đó là tấm bằng chứng nhận giáo sư với biết bao lời hứa hẹn hậu hĩnh về vị trí công việc sau nhiều năm thử thách khóa bác sỹ nội trú đầy áp lực và vất vả.
Paul chỉ thực sự nghĩ tới việc mình nên và cần làm khi anh phải đối diện với ung thư phổi, và nếu ung thư không ở giai đoạn cuối, chưa chắc Paul đã dành thời gian cho việc viết nách hoàn thành cuốn sách này. Trên thực tế, khi anh đã nhắm mắt rời xa cuộc đời, cuốn sách mới chỉ dừng lại là một bản thảo, và Lucy – người vợ thân yêu của anh đã giúp anh hoàn thiện cuốn sách.
Khoảng gần 2/3 đầu cuốn sách, Paul dành cho những ký ức về tuổi thơ dữ dội; về hoàn cảnh và những biến động trong gia đình; về công việc của một bác sỹ phẫu thuật thần kinh nội trú; về cảm xúc suy nghĩ của anh khi phải đối diện với cái chết hay các ca chấn thương vùng đầu nặng của các bệnh nhân… Là bác sỹ phẫu thuật thần kinh, đồng thời là thạc sỹ văn học Anh, nên lời văn Paul viết rất mượt mà và sâu sắc. Thông qua những vấn đề được đề cập đến trong cuốn sách, Paul đều khéo léo lồng ghép vào những triết lý sống dựa trên trải nghiệm của bản thân, hay đặt ra những câu hỏi mở về ý nghĩa cuộc sống nhằm đánh thức nội tâm của mỗi người đọc.
Đứng trước cái chết và không biết chính xác vào thời điểm nào mình sẽ vĩnh viễn rời xa cuộc đời thực tại, chúng ta sẽ chấp nhận đối diện nó với tâm thế như thế nào? Chúng ta sẽ buông bỏ hết tất cả tham-sân-si để dành trọn thời gian cho những hạnh phúc đơn sơ? Hay chúng ta vẫn mãi theo đuổi những điều mà bản thân mình nghĩ đó là “sứ mệnh” mình buộc phải hoàn thành, ngay cả khi ngày mai là ngày cuối cùng được sống? Những trăn trở và đắn đo sẽ không có hồi kết khi mỗi con người chúng ta là một cá thể khác nhau, được sinh ra ở những hoàn cảnh và thời đại khác nhau, và không phải tất cả đều có quan điểm giống nhau về nhân sinh. Chỉ hy vọng, thông qua cuốn sách này, chúng ta sẽ tự mình biết trân quý những phút giây còn được sống của bản thân, biết cách sống trọn niềm vui, biết yêu thương cảm thông và luôn an nhiên trước mọi giông tố bất ngờ ập đến trên đường đời.
“Khi hơi thở hóa thinh không” thực sự ấn tượng về thiết kế ảnh bìa trước và sau. Hai bức tranh phản diện, bìa trước là tấm lưng của Paul khoác trên mình trang phục của một bác sỹ phẫu thuật; bìa sau cũng là tấm lưng của Paul nhưng trong trang phục của một bệnh nhân ung thư phổi. Điều này gợi lên cho mình khá nhiều những khoảng không vô định, mình liên tưởng đến câu nói mà mình nghĩ các bạn cũng đã từng ít nhất một lần nghe hoặc đọc được ở đâu đó, rằng: “Tuổi trẻ bỏ sức khỏe để có tiền – Tuổi già bỏ tiền để tìm lại sức khỏe – Nhưng thời gian thì không bao giờ quay trở lại”.
“Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.”
– Thông điệp Paul muốn gửi cho con gái Cady – Cô bé chỉ mới 8 tháng tuổi khi Paul trút hơi thở cuối cùng.
Đôi điều về tác giả: Paul Kalanithi (1977-2015) là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và một nhà văn. Anh lớn lên ở Kingman, Arizona, tốt nghiệp từ trường Stanford với bằng cử nhân và thạc sĩ về Văn học Anh và một bằng cử nhân về Sinh học người. Anh nhận bằng thạc sĩ triết học về Lịch sử và Triết học khoa học, Y học tại trường Cambridge và tốt nghiệp xuất sắc từ trường Y thuộc đại học Yale, nơi anh được giới thiệu vào Alpha Omega Alpha, cộng đồng tôn vinh y học quốc gia. Anh quay trở lại Stanford để hoàn thành chương trình nội trú về phẫu thuật thần kinh và học theo học bổng nghiên cứu sinh về khoa học thần kinh, tại đó anh đã đạt được giải thưởng cao quý nhất cho nghiên cứu khoa học của Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Hoa Kỳ. Anh mất tháng Ba năm 2015. Anh còn sống mãi trong gia đình yêu thương của mình, trong đó có vợ anh, Lucy, và con gái anh, Elizabeth Acadia.