SÁCH HAY MỖI NGÀY

Đi tìm lẽ sống – Viktor E. Frankl

Ai trong số chúng ta ở đây có mặt trên thế gian này đều mang trên mình một sứ mệnh. Có người sớm nhận ra việc mình có mặt ở đời này là vì điều gì, họ sống làm việc và cống hiến hết mình vì những mục đích sống tốt đẹp. Song có người mất cả cuộc đời mà vẫn không tìm ra được lẽ sống, tồn tại mà như đã chết trong cả hành trình dài. “Đi tìm lẽ sống” là cuốn sách các bạn nên đọc, để bắt đầu bước ra khỏi khung giới hạn của bản thân; để can đảm đối diện và vượt qua những thời khắc đau khổ thất vọng; trải nghiệm yêu thương và giải phóng những “năng lực” tiềm ẩn trong chính bản thân mình.

Viktor E. Frankl (1905 – 1997) là Bác sỹ tâm lý hành nghề tại Áo, ông là người đã sống sót trong suốt 3 năm bị luân chuyển qua 4 trại tập trung Đức quốc xã, thời kỳ hậu Thế chiến II, khi Hitler phát động lệnh tận diệt người Do Thái. “Đi tìm lẽ sống – Man’s search for meaning” của ông là tập sách viết về những trải nghiệm của ông, cũng là những trải nghiệm của hàng triệu tù nhân trong trại tập trung của Phát xít Đức đã phải chịu đựng trong suốt khoảng thời gian dài, trước khi được Hồng Quân Liên Xô giải cứu năm 1945.

Trải qua những trải nghiệm kinh hoàng, Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa.

Ông đã viết rằng “Một người có thể giữ vững lòng quả cảm, phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn”. Ông luôn trung thành với quan điểm: Những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát của bạn có thể lấy đi mọi thứ mà bạn có, chỉ trừ một thứ, đó là sự tự do chọn lựa cách bạn phản ứng trước hoàn cảnh.

PHẦN 1 – NHỮNG TRẢI NGHIỆM TRONG TRẠI TẬP TRUNG

Trại tập trung được Frankl để cập trong cuốn sách là trại Auschwitz -một cái tên khét tiếng về sự tàn bạo của Đức quốc xã, gợi lên những nỗi ám ảnh khi nhắc đến: phòng hơi ngạt, lò thiêu và sự chết chóc. Đây là một mạng lưới liên kết các trại tập trung và trại hủy diện được Đức quốc xã xây dựng tại Ba Lan trong Chiến tranh thế giới II.

Ban đầu, mục đích của trại là để giam giữ các tù nhân chính trị của Ba Lan, sau đó được sử dụng vào chiến lược tận diệt người Do Thái ở khắp các lãnh thổ Châu Âu do Đức chiếm đóng. Tù nhân Do Thái phần lớn sẽ bị giết sống trong phòng hơi ngạt được bơm khí độc Hydro Xyanua hoặc bị đem đi thiêu, số còn lại bị bóc lột lao động trong khổ sai, hoặc được sử dụng làm thí nghiệm y khoa.

Ngày đầu tiên khi bị áp giải tới Auschwitz, các tù nhân sẽ được chia làm 2 hàng, một bên là phụ nữ và một bên là đàn ông. Một lính cấp cao SS (Đội quân bảo vệ Phát xít) sẽ tiến hành kiểm tra và chọn lọc chất lượng tù nhân. Sự sống hay chết sẽ được quyết định thông qua hành động chỉ ngón tay qua trái hoặc qua phải, người qua trái mặc định là những người ốm yếu và sẽ được dẫn giải đến phòng hơi ngạt/lò thiêu, người qua phải sẽ bắt đầu đối diện với những ngày tháng lao động khổ sai và tàn nhẫn.

Hắn nói: “Cho chúng mày hai phút và sẽ tính giờ bằng đồng hồ của tao. Trong hai phút, chúng mày phải cởi hết quần áo ra và ném xuống chân. Không được mang thứ gì theo người ngoại trừ giày, thắt lưng, dây đeo quần, và có thể là một cái dây buộc. Bắt đầu đếm đây – Bắt đầu”. Không một chút ngập ngừng, mọi người vội vã lột sạch quần áo. Khi thời gian gần hết, họ càng căng thẳng hơn và vụng về kéo đồ lót, thắt lưng và dây giày. Rồi chúng tôi nghe thấy những âm thanh đầu tiên của trận roi; tiếng roi da đang quất xuống những thân thể trần truồng. Tiếp theo, chúng tôi bị dồn qua một phòng khác để cạo sạch lông – không chỉ là râu tóc mà ở tất cả mọi khu vực trên cơ thể. Sau đó chúng tôi xếp hàng trở lại dưới những vòi nước. Chúng tôi hầu như không thể nhận ra nhau, nhưng một số người thấy nhẹ nhõm hẳn khi để ý thấy nước thực sự nhỏ giọt từ các vòi phun.

– Trích dẫn từ Đi tìm lẽ sống

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, Frankl khuyên chúng ta nên rèn luyện cho mình ‘nghệ thuật sống khôi hài’, nhìn mọi việc theo những hướng hài hước để tạo ra sự phấn chấn cho tinh thần. Ông luôn tìm ra lý do, mục tiêu mình cần phải tồn tại khi đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết. Thảm họa sẽ đến với những người không nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống, và họ sẽ tự tay xóa đi chính sự tồn tại của mình khi không có mục tiêu, không có mục đích.

Chính vì vậy, chúng ta cần chia sẻ cho những ai đang ngục mình trong sự tuyệt vọng một điều rằng vấn đề không phải là chúng ta mong đợi gì từ cuộc sống, mà vấn đề là cuộc sống mong đợi gì ở chúng ta. Chúng ta có mặt ở thế gian này là để cống hiến, mang lại những giá trị tích cực, những hành động tử tế, giúp xã hội hay cộng đồng xung quanh chúng ta hoàn thiện tốt đẹp hơn.

Khi những lớp mỡ dưới da biến mất, trông chúng tôi chẳng khác nào những bộ xương khô, có khác chăng là được khoác thêm lớp da và bộ quần áo cũ rách. Cơ thể chúng tôi bị bào mòn theo từng ngày. Nó sử dụng chính nguồn dưỡng chất đã tích lũy để duy trì sự tồn tại của chính nó. Sau nhiều lần quan sát, mỗi một người trong chúng tôi có thể dự đoán khá chính xác ai sẽ là người ra đi tiếp theo và khi nào. “Anh ấy không còn sống được lâu đâu”: hoặc “Tiếp theo sẽ là anh ấy”, chúng tôi thì thầm trong lúc bắt chấy rận cho nhau. Mỗi một ngày qua đi, đến chiều tối, chúng tôi quan sát chính cơ thể trần truồng của mình và có cùng suy nghĩ: Cơ thể của tôi thực sự chỉ còn là một cái xác. Tôi còn gì là tôi nữa? Tôi vẫn là tôi bên dưới lớp da bọc xương này, là một thành viên thuộc đám đông đằng sau hàng rào kẽm gai, tụ tập trong những lều trại chật hẹp. Tôi là một phần của đám người mà mỗi ngày ai ai cũng nhận ra rằng một phần nào đó của cơ thể bắt đầu mục rã.

– Trích dẫn từ Đi tìm lẽ sống

Trong “Đi tìm lẽ sống”, Frankl cho chúng ta thấy được ba giai đoạn phản ứng tinh thần của người tù đối với cuộc sống trong trại: giai đoạn đầu sau khi nhập trại; giai đoạn khi đã quen với cuộc sống trong trại; và giai đoạn sau khi được thả tự do.

Trong giai đoạn tự do, Frankl chỉ ra rằng những người có bản chất hiền lành cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của sự tàn bạo ở khắp nơi trong trại. Khi trở lại với cuộc sống bình thường trước đây, những tù nhân cho rằng mình có quyền sử dụng sự tự do một cách phóng túng và vô độ. Họ không còn là kẻ bị áp bức nữa mà là người đàn áp, họ trở thành chủ thể chứ không phải là đối tượng của sự ngang trái và bất công, họ bào chữa cho hành vi của mình bằng những trải nghiệm tồi tệ của họ. Ngoài sự suy đồi về đạo đức, có hai trải nghiệm cơ bản đe dọa làm hỏng tính cách của người tù: sự cay đắng và vỡ mộng khi anh ta trở lại với cuộc sống trước kia của mình.

Sự cay đắng là do những sự gì mà người đó nhìn thấy tại quê nhà. Lúc trở về, đâu đâu anh ta cũng chỉ thấy những cái nhún vai và bao giọng điệu chán nản, anh ta chua chát tự hỏi vì sao mình lại phải chịu đứng tất cả những điều đó. Khi nghe những câu nói tương tự nhau ở hầu khắp mọi nơi: “Chúng tôi không biết việc đó”, “Chúng tôi cũng đau khổ”, anh ta tự hỏi, liệu họ không có gì hay ho hơn để nói với mình hay sao? Trải nghiệm vỡ mộng lại hoàn toàn khác. Ở đây, anh ta bỗng dưng cảm thấy mình thật lạc lõng, không có ai chào đón mình cả (cảm giác cô độc đó khủng khiếp đến nỗi cuối cùng anh ta có cảm giác muốn trốn tránh tất cả và cũng không muốn nghe hay biết gì về thế giới xung quanh nữa) và số phận dường như quá cay nghiệt. Một người trong nhiều năm đã nghĩ rằng mình đã chạm đến giới hạn cùng cực của mọi đau khổ, thì giờ đây lại thấy rằng đau khổ là vô hạn, và rằng mình đang phải đối diện với nhiều khổ đau kinh khủng hơn.

– Trích dẫn từ Đi tìm lẽ sống

PHẦN 2 – SƠ LƯỢC VỀ LIỆU PHÁP Ý NGHĨA

Liệu pháp ý nghĩa là một phương pháp ít hồi tưởng về quá khứ và ít quán xét nội tâm. Liệu pháp ý nghĩa tập trung vào tương lai, vào những ý nghĩa cuộc sống mà chúng ta sẽ xây dựng trong tương lai. Không chỉ thay đổi nhận thức và giúp tìm ra lẽ sống cuộc đời, liệu pháp ý nghĩa còn giúp chúng ta vượt qua căn bệnh rối loạn thần kinh của bản thân, kéo chúng ta ra khỏi “trạng thái tồn tại chân không – cảm giác trống rỗng và vô nghĩa – căn bệnh tâm lý phổ biến của con người thời hiện đại.

Theo liệu pháp ý nghĩa, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống theo ba cách khác nhau:

  • Tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó – nhằm đạt được thành công hoặc một thành tựu nào đó.
  • Trải nghiệm một việc gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó – chẳng hạn như lòng tốt, chân lý và cái đẹp – thông qua những trải nghiệm tự nhiên và văn hóa, và cuối cùng không kém phần quan trọng là cảm nhận vẻ độc đáo của một người khác bằng tình yêu thương dành cho người ấy.
  • Thái độ của chúng ta khi đối mặt với đau khổ – vì điều quan trọng là chúng ta sẽ thấy được năng lực thực sự của bản thân, vốn có thể thay đổi bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến hoàn cảnh nghiệt ngã thành sự mạnh mẽ của bản thân – nghĩa là chúng ta đang được thử thách để thay đổi chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *