CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Ấn Độ và những điều lạ lùng

Ấn Độ được biết đến là quốc gia mang nhiều văn hóa đặc sắc và lạ kỳ, Ấn Độ tồn tại 22 ngôn ngữ giao tiếp chính, 13 dạng chữ viết khác nhau, bên cạnh 720 tiếng địa phương. Ấn Độ bao gồm 19 bang khác nhau, mỗi bang mang trên mình những nét riêng về ẩm thực, ngôn ngữ, điệu nhảy truyền thống, lễ hội cũng như phục trang… Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua những điều lạ lùng phổ biến nhất, chỉ có tại đất nước cà-ri này.

1 – Cưới chó hoặc cây cối

Trước khi có thể kết hôn với một người con trai/đàn ông chính thức của đời mình, các cô gái/phụ nữ dựa theo chiêm tinh Ấn Độ cổ đại bị cho là mang trên mình “Manglik Dosh” sẽ phải cử hành nghi lễ cưới trước một chú chó hay một loại cây thực vật nào đó. Theo tín ngưỡng, điều này sẽ giúp họ tránh được những rắc rối không đáng có trong cuộc sống hôn nhân sau này. Mặc dù ngày nay, người Ấn Độ hiện đại đã dần bỏ qua “hủ tục” kỳ quặc này, song nghi lễ vẫn được diễn ra ở một số vùng địa phương lâu đời thuộc Ấn Độ.

Manglik Dosh: theo chiêm tinh Ấn Độ cổ đại hay có thể gọi là tín ngưỡng của người Hindu, người con gái sinh ra mang mệnh Hỏa (Mangala) được gọi là “mangana dosha”, tên gọi khác phổ biến hơn là Mangalik (hoặc Manglik). Manglik khi tiến hành kết hôn với một người khác không phải là Manglik sẽ bị cho là một thảm họa, họ có thể gây ra cái chết sớm cho bạn đời hoặc mang lại nhiều rắc rối trong cuộc sống vợ chồng. Do đó, để cuộc hôn nhân của họ trở nên hạnh phúc, họ phải làm nghi lễ cưới trước một con vật/đồ vật/thực vật vô tri vô giác nào đó để loại bỏ các điềm không may.

2 – Vận chuyển động vật kích thước lớn trên đường phố

Cái khó thì ló cái khôn, người Ấn Độ vô cùng sáng tạo để giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn, điều này được áp dụng ngay cả trong việc di chuyển các con vật nặng ký như: trâu, bò, lạc đà hay thậm chí là voi. Bằng cách sử dụng xe tải hay xe kéo như các bạn thấy trong bức ảnh, việc di chuyển các con vật vẫn được diễn ra thường xuyên trên các con phố tại Ấn Độ. Và vô cùng tài tình, họ thường không để xảy ra bất kỳ một sự cố nào trong suốt quá trình di chuyển “mạo hiểm” này.

3 – Tổ chức đám cưới linh đình

Người Ấn Độ chi rất nhiều tiền cho đám cưới của họ. Thực tế, phần lớn người Ấn Độ thuộc tầng lớp trung lưu dùng cả số tiền tiết kiệm cả đời của mình để tổ chức đám cưới cho con gái/con trai của mình. Số tiền đó được chi vào trang trí, trang phục, đồ ăn và sàn nhảy giao lưu văn nghệ, tất cả đều được đầu tư rất kỳ công và xa hoa. Dù có “sạt nghiệp” cũng phải cho thằng Tèo một cái đám cưới để đời.

4 – Vàng bạc trang sức

Vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc tích trữ vàng bạc trang sức. Mỗi cô dâu trong ngày cưới sẽ khoác lên mình một lượng vàng trang sức khổng lồ, và để chuẩn bị cho ngày trọng đại này, Bố Mẹ của họ đã phải tích trữ trong nhiều năm trước. Dưới đây là hình ảnh một số cô dâu được đính lên mình vô số vàng trang sức, trị giá lên tới hàng triệu Rúp.

5 – Ăn bằng tay không

Bốc và ăn bằng tay là một tục lệ phổ biến của người Ấn Độ, cụ thể ở miền Nam Ấn Độ, họ bày thức ăn trên bề mặt lá chuối và thưởng thức bữa ăn bằng tay trông rất ngon miệng. Đây được coi là một cách ăn uống lành mạnh và thân thiện với môi trường.

6 – Aghoris

Đây là những sadhus – thánh nhân – những người Hindu sùng đạo sống một cuộc đời khổ hạnh để tôn thờ chúa Shiva và Shakti. Họ tự biến mình thành những người từ bỏ thế giới vật chất thực tại và tạo ra lối sống riêng độc đáo của mình. Khi đến Ấn Độ, tại những địa điểm tôn giáo, đặc biệt tại thành phố Varanasi, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến ‘naga sadhus’ – nhóm những người không mặc quần áo ngay cả trong tiết trời lạnh giá của mùa đông, hay ngồi thản nhiên hút cần sa bên sông mà không bị bất kỳ ai can thiệp… Đơn giản, vì họ được coi là những cá thể siêu việt và đã được giác ngộ về Đạo.

7 – Nhà vệ sinh ngồi xổm

Ấn Độ sử dụng nhà vệ sinh ngồi xổm (một số địa phương ở Việt Nam mình vẫn có nhiều gia đình sử dụng dạng nhà vệ sinh này), được biết đến với tên gọi “mỹ miều” hơn là nhà vệ sinh phong cách Phương Đông, kiểu nhà vệ sinh này đồng thời xuất hiện ở các quốc gia khác thuộc Tây Âu và Trung Đông. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng giấy vệ sinh, phần lớn người Ấn Độ thích sử dụng nước để làm sạch “vùng kín” sau khi giải quyết xong nhu cầu. Hành động này tác động không nhỏ tới nhận thức và dần làm thay đổi thói quen của cả những người phương Tây, vì họ nhận ra phương pháp này không những làm sạch sẽ “chỗ ấy” hơn mà còn vô cùng thân thiện với môi trường.

8 – Tung tiền trong đám cưới hoặc các sự kiện đặc biệt khác

Phần lớn thuộc miền Bắc Ấn Độ, họ thường tung tiền trong ngày đám cưới để thế hiện sự phấn khích và hạnh phúc của mình. Họ cũng đồng thời tung tiền vào người các vũ công hay ca sĩ được thuê tới biểu diễn trong đám cưới để bày tỏ lòng cảm kích. Kết thúc bữa tiệc, số tiền này sẽ được nhân viên ban tổ chức sự kiện thu lại và tiến hành phân chia nội bộ.

9 – Cô dâu khóc rất nhiều trong ngày đón dâu

Đa số các cô dâu Ấn Độ, nếu không muốn nói là tất cả, đều khóc khi phải rời xa mái nhà thân yêu của mình để theo chồng về nhà chồng lúc lễ cưới tại nhà gái kết thúc. Ở đây không phải là một vài giọt nước mắt, mà là nước mắt rơi rất nhiều như mưa rào ngày hạ. Điều này có thể gây thắc mắc cho một số người ở các quốc gia khác, song vô cùng dễ hiểu, vì hầu hết các cô dâu Ấn Độ đều sinh ra lớn lên và nhận được sự bao bọc của Bố Mẹ cho tới tận ngày cô về nhà chồng, họ khóc vì họ sẽ rất nhớ Bố Mẹ và ngôi nhà thân thuộc của mình. Điều này cũng vô cùng giống đối với các cô dâu Việt của chúng ta.

10 – Trang web hẹn hò và kết hôn

Ứng dụng hẹn hò Tinder đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng người Ấn Độ hiện đại, nhưng với bản chất truyền thống của mình thì những bậc làm cha làm mẹ tại Ấn Độ hẳn sẽ rất lâu nữa mới có thể chấp nhận được khái niệm “hẹn hò bằng ứng dụng công nghệ”. Họ vẫn đặt niềm tin vào các cuộc hôn nhân dưới bàn tay sắp đặt của mình, và đó là lý do tại sao các trang web như Shaadi.com tồn tại. Không giống như ứng dụng Tinder, trang web này cung cấp cho các bậc cha mẹ giao diện tương tác thân thiện để họ có thể dễ dàng tìm hiểu các ứng viên đáng giá nhất về làm rể/dâu nhà mình.

11 – Cáp treo một người ngồi

Tại Việt Nam, chúng ta chắc không còn lạ gì với hệ thống cáp treo có một không hai ở Bà Nà Hills (Đà Nẵng) hay cáp treo Nữ hoàng (Hạ Long – Quảng Ninh) đạt kỷ lục thế giới với sức chứa lên đến 230 người/cabin. Tuy nhiên, khi đến thăm quan một số khu vui chơi tại Ấn Độ, chúng ta sẽ được chứng kiến hệ thống cáp treo trái ngược, chỉ có duy nhất 1 ghế ngồi. Du khách sợ độ cao hay trẻ em vị thành niên chắc chắn sẽ không dám đánh cược mạng sống của mình vào những chiếc ghế treo lơ lửng và di chuyển trên không như thế này.

12 – Lễ kỷ niệm ngày đầu tiên có kinh nguyệt của bé gái

“Mẹ ơi, tự dưng hôm nay quần chíp của con lại có máu”
“Wowww, tuyệt vời con gái của Mẹ, để Mẹ đi khoe với Bố của con và cô dì chú bác trong nhà về tin tốt lành này. Chúng ta sẽ tổ chức một bữa tiệc cho con.”
Nghe như một câu chuyện đùa, nhưng thực tế, tại một số nơi thuộc miền Nam Ấn Độ, họ tổ chức tiệc kỷ niệm ngày đầu tiên bé gái có kinh nguyệt như để đánh dấu cột mốc chuyển đổi của cô bé, từ bé gái qua thiếu nữ/phụ nữ.

13 – Phim truyền hình như không có tập cuối

Nếu bạn là một người yêu thích drama với những tình tiết không hồi kết, hãy đến với phim truyền hình của Ấn Độ để có thể thỏa mãn sở thích của mình. Chắc chắn các bạn sẽ không thất vọng về độ dài vô tận của những bộ phim truyền kỳ này của Ấn Độ.

14 – Ăn cá sống để chữa bệnh hen suyễn

Một số tổ chức đã thành lập những trung tâm chữa bệnh hen suyễn bằng phương pháp ăn cá sống, bên cạnh việc kết hợp một số loại thuốc chuyên dụng khác. Không rõ hiệu quả của phương pháp này ra sao, song nó đã được quảng cáo phổ biến trên các mặt báo giấy của Ấn Độ.

15 – Vai trò của Bố Mẹ trong cuộc sống của con cái

Bố Mẹ đặt đâu con cái nằm đó là chuẩn mực văn hóa gia đình của Ấn Độ, trong bất cứ công việc hay quyết định nào liên quan tới cuộc sống, Bố Mẹ cũng là người đứng ra can thiệp và hoạch định kế hoạch cho con cái của họ. Ấn Độ có tiếng với việc ở chung nhà qua mọi thế hệ, tại bất kỳ đâu họ đặt chân tới, tính tập thể của họ luôn được đề cao, dù ngôi nhà có không rộng rãi, họ cũng chấp nhận cuộc sống chật hẹp để có thể được ăn uống sinh hoạt cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ mà hạnh phúc rất to.

16 – Thực đơn chay/thường

Khi có cơ hội tới Ấn Độ và trải nghiệm ẩm thực, tại các nhà hàng, chúng ta sẽ được thấy tờ thực đơn kép gồm món ăn chế biến thường và món ăn chế biến chay như tấm hình các bạn thấy trong bài viết này.

17 – Vật hộ mệnh bằng Chanh Ớt

Một số người Ấn Độ dùng dây để buộc Chanh và Ớt vào cùng nhau nhằm xua đuổi tà ma quỷ dữ, để chúng không làm những điều xấu tới mình cũng như của cải gia sản của mình. Họ treo vật hộ mệnh này lên nhà, quanh các cửa hàng buôn bán kinh doanh, thậm chí họ còn treo cả trên cả ô tô.

18 – Sờ chân người cao tuổi

Kính lão đắc thọ, phong tục này mục đích cầu may mắn và bình an từ những người cao tuổi.

19 – Chấm màu đỏ trên trán

Trong khi những người đàn ông tô chấm đỏ gọi là Tilak, thì những người phụ nữ tô chấm đỏ gọi là Kumkum hoặc Bindi trên trán hoặc ở giữa ấn đường. Họ tô chấm này hàng ngày hoặc trong những ngày lễ đặc biệt, ý nghĩa không phải chỉ nằm ở khái niệm trang trí, mà đó như là một dấu ấn soi sáng, hướng suy nghĩ tới những điều tích cực trong cuộc sống.

20 – Khám chữa răng trên vỉa hè

Đây không phải là hình ảnh khó kiếm khi các bạn đặt chân đến Ấn Độ, một số người hành nghề nha sĩ sẽ mở quầy nha khoa của mình trên các vỉa hè đường phố để điều trị cho những người mắc các bệnh lý về răng miệng. Về cơ bản, những người dân không có điều kiện về kinh tế sẽ đến đây để có thể nhận được các phương pháp điều trị cần thiết.

21 – Quảng cáo tìm vợ/chồng cùng đẳng cấp

Những quảng cáo tìm kiếm bạn đời “ngang cơ” như thế này khá phổ biến tại Ấn Độ.

22 – Nhường đường cho các quan khách VIP

Ở nhiều vùng thuộc Ấn Độ, việc điều tiết giao thông, chuyển hướng phương tiện di chuyển đi theo một hướng khác khi có đoàn xe của các chính trị gia đi qua là điều thường xuyên xảy ra. Điều này gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới người tham gia giao thông khi vô tình gặp phải những sự cố như này.

23 – Đền thờ Visa – Thị Thực đi nước ngoài

Hầu hết người Ấn Độ đều muốn được một lần có cơ hội du lịch thế giới hay thậm chí thoát ly khỏi đất nước, song không hẳn ai cũng dễ dàng có may mắn cầm trên tay tờ thị thực để có thể thực hiện được ước mơ của đời mình. Chính vì đó, Chilkur Balaji Temple đã được ra đời, thường được biết đến với tên gọi là Visa Balaji – dành cho những ai gặp khó khăn trong việc xin thị thực, họ sẽ tới đây để dâng lễ cầu nguyện Thánh với ước mong Thánh sẽ ban may mắn cho mình. Cùng với Visa Balaji, còn có một nơi khác tương tự là Gurudwara, nơi trưng bày số lượng lớn mô hình máy bay mà người dân mang tới với mục đích cầu nguyện để có thị thực.

24 – Người giúp việc nhà

Không nhất thiết bạn phải là một gia đình thượng lưu, ngay cả những gia đình trung lưu hoặc các gia đình không dư giả về tài chính, cũng có thể mượn người giúp việc nhà trong những trường hợp đặc biệt.

Nội dung bài viết được tổng hợp từ Google, Qoura và Wikipedia. Các bạn có thể truy cập tham khảo nguồn bài viết gốc tại đây.

– Source

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *